TRẺ NÀO DỄ BỊ TÁO BÓN?
Táo bón là tình trạng trẻ đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần. Chi tiết hơn, nếu trẻ gặp phải ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau thì có thể nói trẻ đã bị táo bón: Đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần, gặp khó khăn khi đại tiện, phân cứng, trẻ có cảm giác đại tiện không hết, phải dùng tay hỗ trợ khi trẻ đại tiện…
Tình trạng táo bón ở trẻ em rất phổ biến, chiếm từ 3-5% số ca trẻ em đến khám tại các chuyên khoa tiêu hóa. Táo bón đặc biệt dễ gặp ở trẻ từ 2-6 tuổi, trong đó, phổ biến nhất là táo bón chức năng.
Táo bón chức năng không do bất cứ tổn thương thực thể (giải phẫu) hoặc sinh lý (hormone hoặc các chất hóa học trong cơ thể) gây ra. Nguyên nhân của táo bón chức năng chủ yếu do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện, hoặc/và do chế độ dinh dưỡng của trẻ chưa hợp lý hay do các yếu tố liên quan tới tâm lý, thần kinh khác.
LÀM SAO NHẬN BIẾT TRẺ BỊ TÁO BÓN?
Dấu hiệu trẻ bị táo bón chức năng bao gồm:
Trẻ dưới 1 tuổi:
- Không đi tiêu trong 1 tuần nếu bú sữa mẹ, 3 ngày nếu bú sữa công thức
- Thường xuyên căng thẳng và quấy khóc mỗi khi đi tiêu
- Phân khô, nhỏ và cứng
Trẻ trên 1 tuổi:
- Đi tiêu dưới 3 lần/tuần
- Đau rát hậu môn mỗi khi đi tiêu
- Phân khô, rắn lẫn máu hoặc chất nhầy
- Phân dính trên đồ lót của trẻ
Mặc dù táo bón không gây nguy hiểm đến tính mạng, nếu để bệnh kéo dài có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, làm hạn chế sự phát triển của trẻ, nhất là phát triển trí não.
(Xem thêm: Tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ)
Táo bón kéo dài có thể biến chứng thành các bệnh lý nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe của trẻ. Táo bón làm suy yếu hệ tiêu hóa, khiến trẻ hấp thu dinh dưỡng kém, chậm tăng cân, miễn dịch yếu, từ đó dễ ốm vặt, chậm phát triển vận động và nhận thức
Ngoài ra, táo bón cũng ảnh hưởng đến trí thông minh của trẻ. Trục não-ruột có mối quan hệ mật thiết và được ví như bộ não thứ hai của con người. Trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh thì trí não mới hoạt động tốt và ngược lại.
DINH DƯỠNG VÀ VẬN ĐỘNG KHOA HỌC GIÚP TRẺ HẾT TÁO BÓN, PHÁT TRIỂN TỐI ƯU
Nguyên nhân hàng đầu của táo bón chức năng là do chế độ dinh dưỡng của trẻ chưa hợp lý. Ví dụ, đối với trẻ dưới 2 tuổi còn bú mẹ, các nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng bao gồm: Chế độ ăn uống mất cân bằng, trẻ uống ít nước, ăn ít trái cây và rau xanh; trẻ uống sữa bò (sữa công thức) không phù hợp…
Hay, đối với trẻ lớn hơn, các nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng và thói quen vận động thường là: Chế độ ăn không đủ chất, đặc biệt là thiếu chất xơ; trẻ uống không đủ nước; trẻ không muốn (hoặc nhịn) đi đại tiện; trẻ ít vận động, ít tập thể thao…
Những gì trẻ ăn vào đều có tác động trực tiếp tới hệ tiêu hóa của trẻ. Nếu thức ăn lành mạnh, cân bằng… sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động dễ dàng. Ngược lại, nếu thức ăn khó tiêu, thiếu cân bằng sẽ gây gánh nặng cho đường ruột, khiến trẻ dễ mắc các chứng bệnh tiêu hóa, trong đó có táo bón.
Ngoài ra, trẻ có thói quen nằm, ngồi nhiều cũng khiến chức năng đường ruột kém, làm giảm khả năng tiêu hóa thức ăn.
Các chuyên gia khuyến nghị, để trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cha mẹ cần có nhiều biện pháp chăm sóc và bảo vệ cùng lúc. Ngoài việc cho trẻ ăn, ngủ đúng giờ, đủ bữa, mẹ và bé cần duy trì chế độ ăn uống cân đối các nhóm chất, tránh các đồ ăn cay, nóng, uống đủ nước, tránh căng thẳng, massage bụng cho bé mỗi ngày…
KHÁM, TƯ VẤN & ĐIỀU TRỊ TÁO BÓN CHO TRẺ EM
Để giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, tránh mắc các bệnh về đường ruột như táo bón, các bậc phụ huynh nên:
Theo dõi việc đi vệ sinh hàng ngày của con, nếu có dấu hiệu bất thường (số lần hay tính chất phân) thì cần cho con đi khám càng sớm càng tốt.
Kiểm tra định kỳ tình trạng dinh dưỡng cho trẻ, từ đó, phát hiện và điều trị kịp thời các vấn đề về dinh dưỡng và tiêu hóa nếu trẻ gặp phải.
Nguồn: BacSiDinhDuong.com